Khảo sát Hành vi Người tiêu dùng 2019 – Phần 3

Tháng 7 vừa qua, Euromonitor đã cập nhật nghiên cứu mới nhất về hành vi người tiêu dùng toàn cầu cho năm 2019. Đây là một bản nghiên cứu khá thú vị, thay vì phân loại người tiêu dùng theo mô tả dân số và mức tiêu dùng thường thấy/ hay chia theo phân cấp xã hội, Euromonitor đã phân loại họ theo hành vi tiêu dùng. Bảng nghiên cứu này sẽ thêm thông tin cho marketer trong việc hiểu insight của người tiêu dùng và định hướng cách tiếp cận hiệu quả hơn.

0
2517

Bài viết này được chia thành 4 phần:

Phần 1: Phân nhóm người tiêu dùng theo hành vi

Phần 2: Khảo sát mức độ ưu tiên của các nhóm người tiêu dùng phổ biến ở Việt Nam

Phần 3: Phân tích hành vi của từng nhóm người tiêu dùng phổ biến ở Việt Nam

Phần 4: Cách tiếp cận từng nhóm người tiêu dùng phổ biến ở Việt Nam


Phân tích hành vi của từng nhóm người tiêu dùng phổ biến ở Việt Nam

1) Người yêu thích danh tiếng

Đây có thể nói là nhóm người coi trọng đến hình ảnh và địa vị xã hội của họ. Họ chịu chi tiền đầu tư để thể hiện đẳng cấp. Họ rất coi trọng chuyện người khác nghĩ gì về mình, và họ luôn bị thôi thúc phải nắm bắt được các xu hướng đang xảy ra. Họ sẵn sàng thử sản phẩm mới, sử dụng nhiều thương hiệu khác nhau cũng như chủ động tìm kiếm các thương hiệu nổi tiếng, thương hiệu cao cấp.

42% Người yêu thích danh tiếng tìm kiếm các thương hiệu ở thị trường ngách, thích đồ độc, số lượng giới hạn.

84% người yêu thích danh tiếng sẽ chọn sản phẩm có thương hiệu hơn là các sản phẩm tương đương khác.

Mặc dù họ có để ý đến giá cả và sự hợp lý giữa giá cả và chất lượng, nhưng họ không quá quan trọng yếu tố này như những nhóm người tiêu dùng khác.

Khi lựa chọn điểm mua hàng, Người yêu thích danh tiếng sẽ chọn nơi mua hàng dựa trên trải nghiệm tại điểm bán. Đặc biệt, các quyết định mua hàng của họ được quyết định ngay tại cửa hàng, dưới sự tư vấn của nhân viên bán hàng hoặc sự trưng bày tại cửa hàng đó.

Người yêu thích danh tiếng chịu ảnh hưởng khá lớn từ các hoạt động marketing, đặc biệt là digital, mạng xã hội và người nổi tiếng; bởi vì họ muốn học theo lối sống nổi bật. Tuy nhiên, các marketer cần lưu ý rằng, những người yêu thích danh tiếng cũng có “khẩu vị riêng”, gu riêng. Họ sẽ chọn lọc những hình tượng mà họ muốn theo đuổi, vì vậy các chiến dịch marketing cần được “đo ni đóng giày” phù hợp.

Khi cần tìm kiếm thông tin, người yêu thích danh tiếng thường thực hiện ngay tại điểm bán, tuy nhiên, nếu không đến được điểm bán, họ có xu hướng tìm kiếm trên điện thoại nhiều hơn.


2) Người chi tiêu bốc đồng

Đối với người chi tiêu bốc đồng, mua sắm là sở thích của họ. Họ ít khi nhận thấy họ đã chi tiêu quá đà. Mặc dù họ rất thích hàng hiệu và hàng cao cấp, họ lại sẵn sàng chi khi mua được giá thấy, sản phẩm đáng tiền.

59% Người chi tiêu bất đồng sẵn sàng chi khi họ thấy món đó hời/ giảm giá

63% Người chi tiêu bất đồng chỉ mua một vài công ty, thương hiệu mà họ tin tưởng.

Khi được hỏi về chọn địa điểm mua sắm, họ thỉnh thoảng chọn những nơi mang đến cho họ trải nghiệm tốt.

Khi xét đến những nhân tố ảnh hưởng đến hành vi mua hàng, ngoài những nhân tố hiển nhiên là gợi ý từ gia đình, bạn bè hoặc nhận xét/phản hồi từ những người lạ ngẫu nhiên, nhóm người chi tiêu bất đồng bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội. Ảnh hưởng đến từ mạng xã hội có thể là bài đăng từ thương hiệu, bạn bè, hay quảng cáo. Mạng xã hội cung cấp thông tin về xu hướng mới nhất cho họ khá nhanh. Đặc biệt, những thương hiệu/công ty có sự hiện diện trên mạng xã hội tốt, có tác động khá mạnh đến nhóm người này, đặc biệt là những thương hiệu cao cấp, xa xỉ.

Khi cần tìm kiếm thông tin, nhóm người này thường tìm kiếm qua điện thoại di động. Tuy nhiên, do đặc tính bốc đồng, họ thường mua hàng ngay khi thấy giá hời/ khuyến mãi.


3) Người thích sống tối giản

Đây là nhóm người tập trung vào những sản phẩm thiết yếu, họ không chi ra nếu sản phẩm đó không cần thiết với họ. Họ không dễ dàng chi tiêu quá trớn, nhưng họ vẫn thích thử sản phẩm/ dịch vụ mới nếu sản phẩm/ dịch vụ này phù hợp với phong cách sống tối giản của họ.

Một chi tiết đáng lưu ý, nhóm người này không quá quan trọng về hình ảnh bên ngoài của họ.

45% Người thích sống tối giản thường theo đuổi phong cách sống đơn giản, không mua đồ nếu không cần thiết.

28% Người thích sống tối giản sửa lại đồ của họ thay vì mua cái mới.

Đây cũng là nhóm người khó tác động đối với thương hiệu/ công ty. Tuy nhiên, với những công ty/ thương hiệu thân thiện với môi trường, có chất lượng và tuổi thọ sản phẩm dài, có cam kết phát triển bền vững sẽ là một yếu tố quan trọng để họ lựa chọn.

Khi chọn điểm mua sắm, họ hiếm khi lựa chọn dựa trên trải nghiệm mua sắm tại điểm đó.

Khi xét đến các nhân tố ảnh hưởng quyết định mua, những người thích lối sống tối giản chịu sự ảnh hưởng lớn từ gia đình, bạn bè hay phản hồi từ những người ngẫu nhiên. Họ không bị ảnh hưởng bới các tác động marketing.

Khi tìm kiếm thông tin, họ thường tìm hiểu tại cửa hàng và tìm kiếm trên máy tính. Tuy nhiên, họ vẫn ưu tiên nhìn thấy được sản phẩm thực tế trước khi quyết định mua hàng.


4) Người thích làm điều mới

Người thích làm điều mới nhìn chung khá giống người thích lối sống tối giản. Họ là những người không quá quan trọng vẻ ngoài của họ. Tuy nhiên, khi chọn mua hàng hóa, họ thường ưu tiên đến những thương hiệu cao cấp, có tiếng, khi mà giá trị hay chất lượng sản phẩm tương xứng với mức giá của nó. Họ sẽ quay lưng với những thương hiệu đắt tiền nhưng chất lượng không thực sự xứng đáng.

47% Người thích làm điều mới chi mua sản phẩm từ công ty, thương hiệu họ tin tưởng.

58% trong số họ thích tìm kiếm khuyến mãi, giảm giá, các món hời.

Đây là những người đặt mục tiêu tiết kiệm cho tương lai, để đáp ứng các mục tiêu như chuyển ra nước ngoài sống hay để tự kinh doanh. Họ không dễ dàng bị dụ dỗ bởi các trải nghiệm mua sắm. Vì mục tiêu lớn lao của đời mình, họ có phần hà khắc khi mua cho chính mình những món quà nho nhỏ.

Khi chọn điểm mua bán, họ hiếm khi chọn điểm bán dựa trên trải nghiệm mua sắm.

Khi xét đến các nhân tố ảnh hưởng quyết định mua hàng, người thích làm điều mới chịu ảnh hưởng bởi các phương pháp marketing truyền thống.

Khi cần tìm kiếm thông tin, những người này ưu tiên tìm kiếm trên mobile và máy tính trước. Họ muốn so sánh giá cả trước khi ra cửa hàng mua sản phẩm.


5) Người truyền thống thích an toàn

Nhứng người truyền thống thích an toàn hoàn toàn là một ca khó đối với marketer. Họ có sẵn thói quen mua sắm, hiếm khi thử sản phẩm mới, và hầu như không chi tiêu bốc đồng.

31% Người truyền thống thích an toàn hướng đến lối sống tối giản

38% trong số họ thích giảm giá/khuyến mãi/ giá hời.

Khi tìm kiếm các điểm mua sắm, họ hiếm khi dựa vào trải nghiệm mua hàng. Họ không  thích đi mua sắm cho lắm, nên tất cả những gì họ cần là tiện lợi, hiệu quả.

Khi xét đến nhân tố ảnh hưởng quyết định mua hàng, người truyền thống thích an toàn là nhóm người ít bị ảnh hưởng nhất bởi các chương trình marketing. Họ biết họ cần gì, muốn mua gì. Họ không thích chạy theo xu hướng. Họ không mua hàng không cần thiết, hay giá cao hơn những mặt hàng tương tự.

Họ tìm kiếm thông tin và quyết định ngay tại cửa hàng.


Rút ra gì từ những mô tả này?

Đây là những mô tả mang tính tương đối, nhưng đâu đó trả lời cho câu hỏi vì sao không có chương trình marketing nào có hiệu quả tuyệt đối. Tùy theo từng thương hiệu, phân khúc, và đối tượng mục tiêu của thương hiệu, chiến lược marketing cần thật sự linh hoạt. Thắng trong phân khúc thị trường của mình, đừng quá tham lam để trở thành thương hiệu “quốc dân”.

Đối với những cảm nhận của tôi, với bản mô tả này, tôi nghĩ chúng ta cần phải nhìn nhận đây là phân loại theo hành vi tiêu dùng. Một người có thể thay đổi nhóm của mình tùy theo từng giai đoạn cuộc sống. Và ngay cả trong cùng một phân nhóm người tiêu dùng theo nhân khẩu học, cũng có thể tồn tại cùng lúc nhiều nhóm người tiêu dùng có hành vi khác nhau.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here