Khi mà 9X ngày nay bắt đầu quen thuộc với nước hoa hồng và 10 bước dưỡng da từ Hàn Quốc, thì thế hệ 8X của chúng tôi vẫn không thể nào quên những lọ nước hoa hồng thời xa xưa, với một chút hương hồng ngai ngái, một chút cồn làm mát mát làn da. Nước hoa hồng của chúng tôi ngày ấy là một thử nghiệm nho nhỏ khi tập tành chăm sóc da, để được hưởng thụ một bước chăm sóc dành cho quý cô sành điệu.
Để rồi, sau một thời gian dấn thân hơn vào thế giới của những sản phẩm chăm sóc da, choáng ngợp với các sản phẩm từ Châu Âu, châu Mỹ, Hàn, Nhật và Úc, tôi cảm thấy choáng ngợp giữa những sản phẩm ngày nay. Nào là Toner, nào là Lotion, nào là Essence. Vậy thực ra bản chất của chúng là gì?
1) Toner – Lotion – Essence, chúng là gì?
Đây là nhóm sản phẩm dùng ở công đoạn giữa – sau khi đã làm sạch da, và trước khi thoa các sản phẩm chăm sóc chuyên sâu như ampoule, serum và kem dưỡng.
Công dụng chính của nhóm sản phẩm này (mà chủ yếu là Toner, Lotion) chính là cấp ẩm, bảo vệ da. Tuy nhiên, tùy theo từng dòng sản phẩm mà thương hiệu có thể “tăng cường” thêm một số công dụng như tẩy tế bào chết, làm dịu da, se khít lỗ chân lông, chống lão hóa, …
Và để dễ hiểu hơn, chúng ta cùng lướt qua công thức chung của Toner, Lotion, hay Essence nhé.
2) Công thức chung của toner, lotion, essence
Nhìn chung, nhóm sản phẩm toner, lotion, essence có 5 nhóm chất chính:
- Nước cất – hoặc các dạng nước tương tự, như gần đây một số hãng đã sử dụng nước chưng cất hoa hồng công nghệ lạnh như Mamonde, hay nước từ đáy biển sâu của Roundlab. Nước thường chiếm 70 – 80% trong công thức của nhóm sản phẩm này. Và đương nhiên, vai trò của thành phần này là cấp nước cho bề mặt da.
- Các loại dầu/bơ và tinh dầu thiết yếu. Nhóm các chất này cò tác dụng ngăn không cho nước thoát ra khỏi bề mặt da. Tùy theo từng loại sản phẩm, hướng phát triển của hãng mà loại dầu/bơ tinh dầu thiết yếu có thể chọn những loại rẻ như glycerin, hay các loại dầu nhẹ như dầu hồi ngọt, dầu hạt mơ, dầu quả bơ, dầu hướng dương,… Riêng với các lotion dành cho toàn thân bơ hạt mỡ sẽ được thêm vào. Thành phần này chiếm từ 10 – 25% trong công thức của nhóm sản phẩm này.
- Các hoạt chất kèm theo: tùy theo công dụng của nhóm sản phẩm, mà hoạt chất kèm theo sẽ được lựa chọn theo nhiều tiêu chí khác nhau. Đôi khi đây là các hoạt chất tăng cường giữ ẩm như hyaluronic acid, ceramide, … hay là các hoạt chất chống oxy hóa – chống lão hóa, hoặc có thể là các hoạt chất kháng viêm dành cho da mụn, hoặc là acid AHA, BHA, PHA cho các dòng toner/lotion chuyên làm sạch sâu, …
- Chất nhũ hóa: loại chất này có tác dụng giúp cho dầu tan đều trong lotion. Để dễ hình dung, bạn có nhớ đến dầu thường không tan được trong nước, chính vì vậy mà các nhà nghiên cứu và phát triển phải tìm ra một loại chất để giúp dầu “tan” trong nước. Chất nhũ hóa thực sự là một thách thức về mặt kỹ thuật đối với các nhà phát triển sản phẩm, đặc biệt khi phát triển các sản phẩm dạng xịt.
- Chất ổn định: là một nhóm chất hỗ trợ cho chất nhũ hóa. Mặc dù, dầu sau khi đã “tan” được trong nước, tuy nhiên, theo thời gian, dầu vẫn bị tách lớp. Hiện tượng này vẫn thường thấy trong các dòng mỹ phẩm thế hệ cũ. Để khắc phục hiện tượng này, các nhà nghiên cứu và phát triển lại tìm thêm 1 nhóm chất mới để giữ cho quá trình “tan” này giữ được cho đến khi hết hạn sử dụng. Tương tự như chất nhũ hóa, chất ổn định cũng là một thách thức về mặt kỹ thuật.
- Chất bảo quản: là nhóm chất giúp sản phẩm “tránh xa” các nguy cơ về nấm mốc, vi khuẩn có hại.
- Ngoài ra, một số lotion/toner/ essence còn có thêm chất tạo màu, hương liệu, ….
3) Sự khác nhau giữa Toner – Lotion – Essence là gì?
Về mặt công thức của sản phẩm, ba sản phẩm này gần tương đương nhau. Tùy theo dòng sản phẩm/ thương hiệu bạn đến từ nước nào.
Những sản phẩm đến từ Hàn, Nhật, dòng toner thường lỏng (Hàn), hoặc có dạng sữa (Nhật). Công dụng chung của nhóm sản phẩm này là cấp nước cho da ở bề mặt nông (lớp sừng, lớp hạt) ngay sau quá trình rửa mặt. Chính nhờ da được cấp ẩm như vậy, mà các sản phẩm tiếp theo như serum, kem có thể thấm sâu hơn vào bên trong.
Đối với trải nghiệm của mình, da mình bắt đầu khô hơn từ sau 30 tuổi, nhưng đặc biệt năm gần đây, tình trạng khô rõ rệt hơn. Lúc này mình nhận thấy tác dụng của Toner phát huy khá tốt.
Essence lại là một dạng “nâng cao” của Toner, với hàm lượng hoạt chất và dầu cao hơn. Vai trò của Essence vẫn là “chêm thêm” ẩm, và bắt đầu đưa những dưỡng chất nhiều hơn vào da. Người Hàn đặc biệt yêu thích làn da căng bóng, đủ ẩm; chính vì vậy, việc dùng thêm Essence sẽ giúp họ đạt hiệu quả đó.
Lotion lại là một khái niệm khác về mỹ phẩm chăm sóc da đến từ Châu Âu, Châu Úc và Châu Mỹ. Lotion thường có dạng đặc/gel, với hàm lượng chất giữ ẩm và hoạt chất cao hơn. Khi dùng lotion, cảm giác làn da có phần mềm mại và mịn màng hơn. Vai trò của lotion sẽ được cân bằng giữa cấp ẩm, giữ ẩm, bảo vệ da, và một chút dưỡng chất.
Tùy theo bạn thích da bóng hay da tự nhiên mà có thể chọn giữa Toner và Lotion.
Ở bài viết này, mình không đề cập đến 2 nhóm sản phẩm toner: 1 nhóm cổ điển: có cồn trong công thức, và nhóm toner làm se khít lỗ chân lông. Mình sẽ để link sau khi đã viết xong nhé.
4) Kết luận
Quay trở lại với tiêu đề bài viết, chọn sản phẩm nào trong toner – lotion – essence?
Câu trả lời: chọn cái gì cũng được, nhưng hãy chắc chắn bạn có ít nhất 1 sản phẩm trong qui trình chăm sóc da của mình. Nếu bạn thích làn da căng bóng, toner và essence bắt buộc phải có. Và hãy đảm bảo bạn chăm sóc da đúng các bước. Còn nếu bạn thích làn da tự nhiên, thì hãy chọn lotion.
Thế nhưng, đối với những tín đồ skincare như mình, lúc chọn cái này, lúc chọn cái khác để được trải nghiệm nhiều dòng sản phẩm, thương hiệu khác nhau cũng là một cái thú. Chúc bạn luôn tìm được niềm vui trong chăm sóc da như mình nhé.