Giải phẫu học mụn viêm

Mụn là một tình trạng mà bất cứ người nào cũng phải gặp ít nhất một lần trong đời. Mụn không phải là bệnh lý nghiêm trọng, nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sự tự tin. Việc phân biệt mụn bằng mắt thường đã khá phổ biến, nhưng ở bài viết này, Yêu làn da sẽ cập nhật thêm một số thông tin mới xung quanh việc hình thành mụn.

0.1. Có gì trong lỗ chân lông khỏe mạnh?

Giải phẫu học lỗ chân lông khỏe mạnh

Lỗ chân lông là nơi gốc nang lông mọc ra. Tại lỗ chân lông có ống thông của tuyến bã nhờn. Bã nhờn theo lỗ chân lông “trào ra ngoài”, phủ lên bề mặt da một lớp dầu mỏng để bảo vệ da. Điều đáng chú ý là lỗ chân lông cũng là một “bề mặt” của da. Tại đó, hệ vi khuẩn cư trú, có vi khuẩn gây mụn P.acnes.

ở những lỗ chân lông khỏe mạnh, vi khuẩn P.acnes không hề phát triển, và mụn không xảy ra

0.2. Loại 1: Mụn ẩn dưới da

Dưới sự tác động của hormone, tuyến bã nhờn bị kích thích, sản sinh ra một lượng lớn bã nhờn. Do tốc độ sinh ra quá nhanh, bã nhờn không kịp đẩy ra ngoài, nên phần thân lỗ chân lông phình ra tạo thành túi chứa dầu mở. Bã nhờn lúc mới sinh chưa tiếp xúc với không khí sẽ có màu trắng hơi trong, sau một thời gian bị oxy hóa, chúng chuyển sang màu ngả vàng đục.

Mụn ẩn dưới da

Ở tình trạng mụn ẩn, bã nhờn vẫn thoát ra khỏi lỗ chân lông bình thường. Nhưng nếu không vệ sinh da sạch sẽ mụn ẩn có thể phát triển thành mụn đầu trắng hoặc mụn đầu đen.

Tuy nhiên, có một sự thực là: một số người chỉ xuất hiện mụn ẩn hoặc mụn đầu trắng, đầu đen, ít khi chuyển sang dạng mụn viêm, trong khi số khác lại chuyển sang mụn viêm. Để lý giải lý do này, trong những nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học tìm thấy sự bất thường trong thành phần chất béo có trong bã nhờn. Theo đó, những người dễ bị mụn sẽ có lượng sapienic acdi và linoleic acid thấp hơn bình thường.

Xem thêm: Axit béo trên da

Thành phần chất béo do tuyến bã nhờn tiết ra bị mất cân bằng có thể xem như một nguyên nhân kích thích vi khuẩn gây mụn phát triển nhanh và mạnh hơn. do đó, chế độ ăn có các chất béo thiết yếu rất cần thiết cho da

Thông thường, tuyến bã nhờn bị kích thích bởi hormone nam testosterone. Hormone này thường sản sinh mạnh trong thời kỳ dậy thì. Ngoài ra, trong một số thuốc điểu trị hoặc TPCN giúp phát triển cơ bắp cũng kích thích tăng sinh hormone testosterone, gây ra tăng tiết bã nhờn.

Bên cạnh testosterone, các hormone khác có thể tác động làm tình trạng mụn xấu hơn. Đó là: dihydrotestosterone (DHT), dehydroepiandrosterone (DHEA); hormone phát triển (GH) và insulin-like growth factor 1 (IGF-1).

0.3. Loại 2: Mụn đầu trắng, mụn đầu đen

Sự hình thành mụn đầu trắng, đầu đen

Tương tự như mụn ẩn dưới da, tình trạng tắc bã nhờn ở mụn đầu trắng và đầu đen mạnh hơn. Ở mụn đầu trắng, túi dầu phình to, lỗ chân lông hầu như bị bít lại hoặc còn một lỗ rất nhỏ. Kết quả là thấy mụn nổi li ti lên bề mặt da. Ở mụn đầu trắng, hầu như không xảy ra phản ứng oxi hóa lớp dầu bên trong nên nhân mụn có màu trắng.

 

Đối với mụn đầu đen, quá trình oxi hóa xảy ra mạnh mẽ hơn, đỉnh điểm là hình thành nốt mụn đầu đen ngay trên miệng lỗ chân lông. Màu đen của mụn chính là kết quả của melanin bị oxi hóa. Để giải thích cho hiện tượng này, có giả thuyết cho rằng khi quá trình oxy hóa xảy ra trong lỗ chân lông, da được báo động, melanin được tổng hợp và đẩy tới các vùng da quanh lỗ chân lông để ngăn cản quá trình oxy hóa thâm nhập sâu hơn vào các vùng khác của da.

Melanin là một sắc tố da. Melanin ngoài vai trò bảo vệ da khỏi tia UV, còn có vai trò chống oxi hóa mạnh mẽ.

0.4. Loại 3: Mụn viêm

Trong một số trường hợp, sau khi vi khuẩn P.acnes phát triển 6 – 72h, cơ thể bắt đầu khởi động phản ứng sưng viêm. Theo đó, lượng dịch đổ về nốt mụn tăng lên, gây hiện tượng sưng. Tiếp đó, các tế bào miễn dịch nhanh chóng di chuyển đến khu vực sưng để tiêu diệt vi khuẩn gây hại. Và cuối cùng là các đại thực bào di chuyển đến để “dọn dẹp vệ sinh” vùng mụn. Lúc này, vết mụn hết sưng đỏ và chuyển sang ngả vàng. Đây là lúc can thiệp để lấy mụn ra.

Trong một số trường hợp, trong thời kỳ đầu phát triển, vi khuẩn P.acnes phát triển quá mạnh, phá vỡ vách lỗ chân lông, gây ra hiện tượng mụn viêm liên lỗ chân lông.

Các dạng mụn viêm:

  • Papules: là dạng nốt mụn viêm nhỏ. Bề mặt nốt mụn ửng đỏ, sở vào hơi đau.
  • Pustules (mụn mủ): Là mụn viêm nặng hơn, bắt đầu có mủ vàng hoặc trắng bên trong. Mụn sưng to và đau nhức hơn, tuy nhiên do chỉ mới viêm đến lớp nang lông.
  • Nodules và Cysts (mụn dạng nang, mụn bọc, viêm nặng): Là loại mụn viêm với đường kính to hơn rất nhiều so với papules hoặc pustules, sưng đỏ, đa phần có rất nhiều mủ, gây đau nhức nhiều. Lúc này sự viêm nhiễm đã xâm nhập sâu dưới lớp tế bào da gây nên mụn bọc và cho dù có lành vẫn sẽ để lại sẹo lõm.
  • Acne conglobata (Trứng cá bọc ): là loại trứng cá mủ mạn tính, dai dẳng. Bắt đầu ở tuổi thiếu niên, có tổn thương dạng cục, hay để lại lỗ dò, luôn luôn để lại sẹo lõm.
  • Acne Fulminans là dạng nặng của trứng cá bọc. Loại mụn này ít xảy ra, nhưng khi đã xảy ra, thường xảy ra bùng phát.
  • Gram-Negative Folliculitis: là một tình trạng nhiễm khuẩn Gram âm, gây viêm tương tự như mụn. Đây là một tình trạng hiếm, chỉ có 4% những người bị mụn trứng cá chuyển sang dạng này. Dạng mụn này khá khó điều trị do vi khuẩn lờn thuốc thuốc kháng sinh. 
  • Pyoderma Faciale: là một dạng khi nhìn bằng mắt thường giống mụn kết hợp rosacea, nhưng thực ra không phải. Đây có thể xem là một loại bênh lý của da.
  • Achne Mechanica là một dạng mụn xuất hiện do cơ thể ở thời tiết nóng, áo quần bí, cọ xát liên tục lên da. Loại mụn này thường xuất hiện ở những người hay chơi thể thao cường độ cao, hoặc vận động nhiều ở thời tiết nắng nóng.

Mụn viêm, đặc biệt mụn trứng cá và các dạng tương tự, là một tình trạng khá phức tạp, đòi hỏi sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Việc điều trị mụn có hiệu quả hay không không chỉ nằm ở kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ, mà còn ở sự phối hợp giữa bệnh nhân theo chỉ định của bác sĩ. Không ai có thể điều trị mụn dứt điểm trong 1 – 2 tuần.


Xem thêm: Các phương pháp thẩm mỹ xử lý mụn

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here