Bơ hạt mỡ vốn là sáp của hạt cây mỡ (Shea) – Vitellaria, cây bản địa của Châu Phi. Cây hạt mỡ mất 10 – 15 năm mới cho ra trái, 20 – 25 năm mới trưởng thành, và cho ra trái trong suốt 200 năm. Trái cây hạt mỡ mất từ 4 – 6 tháng để chín. Mỗi cây cho 15 – 20 kg trái/ mùa vụ. Và mỗi kg trái thu được 400g hạt khô.
Xem: Người Ghana thu hái lấy hạt cây Shea
0.1. Thành phần của hạt cây Shea
Hạt cây Shea đặc biệt giàu chất béo, các chất chống oxi hóa, và vitamin. Cụ thể là:
- Các axit béo: palmitic, stearic, oleic, linoleic, và arachidic axit. Trong đó, stearic và oleic axit chiếm 80 – 90%. Tỉ lệ giữa hai loại axit béo này khác nhau tùy theo giống cây hạt mỡ, dẫn đến bơ hạt mỡ chưa qua tinh chế sẽ có độ cứng/ chảy dầu khác nhau.
- Phenolic: là các chất chống oxi hóa. Có 10 loại phenolic khác nhau trong bơ hạt mỡ. Đáng chú ý, một trong số đó là catechin, hàm lượng catechin của bơ hạt mỡ ngang bằng hàm lượng có trong dầu ô liu virgin.
Catechin là một chất chống oxi hóa mạnh thường thấy trong trà xanh. Catechin có tác dụng: trung hòa các gốc tự do gây bệnh, phục hồi các chất chống oxy hóa như vitamin E, …, kích hoạt các enzym, làm giảm quá trình hấp thu các chất béo, kích thích quá trình tạo nhiệt.
- Các vitamin A, D, E, …
Xem: Qui trình thu nhận bơ hạt mỡ thủ công
0.2. Ứng dụng bơ hạt mỡ
- Bơ hạt mỡ được sử dụng nhiều trong mỹ phẩm như một chất làm mềm, cải thiện bề mặt da, kháng viêm, hay để phục hồi tóc xơ rối, hoặc được dùng trong xà phòng/ sản phẩm làm sạch.
- Bơ hạt mỡ còn được dùng trong dược phẩm làm các loại thuốc mỡ kháng viêm, hay thuốc dành cho vùng da khô ráp.
- Bơ hạt mỡ có thể dùng làm dầu ăn.
0.3. Các loại bơ hạt mỡ
- Loại A: dạng thô, chưa qua tinh chế, mới thu nhận nhờ quá trình đun sôi.
- Loại B: đã tinh chế
- Loại C: tinh chế kỹ, đặc biệt dùng các dung môi để tinh chế, ví dụ như hexan.
- Loại D: loại kém chất lượng, không có tạp chất,
- Loại E: loại kém chất lượng, có tạp chất.
Xem thêm: Axit béo và những điều cần biết